Duckadam ở đâu, làm gì sau khi bất ngờ diễn vai “người hùng ở Seville” trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu năm 1986? Với người hâm mộ bóng đá Romania, đấy mãi mãi là bí ẩn lớn, kể cả khi chính Duckadam lên tiếng giải thích, nhiều người cũng vẫn... không tin!
Sự biến mất của Duckadam sau kỷ lục vô tiền khoáng hậu
Thủ môn Helmuth Duckadam chưa bao giờ là một tượng đài trong bóng đá đỉnh cao, thậm chí gọi là ngôi sao cũng đã gượng ép, bởi anh chỉ có vỏn vẹn 2 lần khoác áo ĐT Romania. Gần như toàn bộ sự nghiệp bóng đá đỉnh cao của Duckadam chỉ gói gọn trong 80 trận đấu dưới màu áo CLB Steaua, tính chung trong mọi giải.
Không hề nổi tiếng, nhưng Duckadam lại đúng là trường hợp điển hình của câu “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt”. Anh đã đi vào huyền thoại, mãi mãi lưu danh trong sách Guinness bóng đá với kỷ lục không biết bao giờ mới có người phá nổi. Đấy là thủ môn đầu tiên chặn đứng mọi cú sút trong loạt đá luân lưu 11m của một trận đấu đỉnh cao - trận chung kết Cúp C1 1986.
Steaua Bucharest thắng Barcelona ngay trên đất Tây Ban Nha và trở thành CLB Đông Âu đầu tiên đăng quang ở đấu trường Cúp C1/Champions League. Cho đến nay, cũng chỉ có một CLB Đông Âu khác làm được điều đó là Red Star Belgrade vào năm 1991.
Ở trận đấu lịch sử ấy (hòa 0-0 sau 120 phút), Duckadam cản phá được cả 4 cú sút luân lưu của Jose Ramon Alexanko, Angel Pedraza, Pichi Alonso và Marcos. Marius Lacatus và Gavrila Balint sút thành công 2 trong 4 quả cho Steaua. Thế là đôi bên không cần sút quả luân lưu thứ 5. Steaua thắng 2-0 và đi vào lịch sử.
Vài năm sau chiến thắng đầy vinh quang ấy, Steaua Bucharest lại xuất hiện trong trận chung kết Cúp C1 lần nữa. Nhưng họ thua đậm 0-4 trước AC Milan của Ruud Gullit và Marco van Basten trong trận chung kết năm 1990, khi ấy, trong khung thành của Steaua không còn là Duckadam nữa.
Sau khi nhà lãnh đạo Nicolae Ceausescu bị lật đổ và hành quyết ở Romania vào năm 1989, hàng loạt chuyện “thâm cung bí sử” trong chế độ của ông mới được phơi bày. Và khi ấy, người ta mới biết Duckadam cùng đồng đội bị “quản thúc” chặt chẽ ra sao trong những chuyến thi đấu quốc tế.
Ở trận gặp Barca tại Seville, chính quyền Ceausescu chỉ “duyệt” cho 1.000 người theo chân Steaua, gồm 800 quan chức của chính quyền và 200 sĩ quan quân đội (Steaua Bucharest là đội bóng của quân đội). Chỉ cần các cầu thủ như Duckadam có suy nghĩ gì, nói gì tại một đất nước phương Tây là đủ để họ lọt vào “sổ đen” khi về nước.