Khóa I và II của Học viện HAGL Arsenal JMG có tổng cộng 26 học viên. Đây là khóa bóng đá được HLV người Pháp, Guillaume Graechen đào tạo và đã trở thành một mô hình "kiểu mẫu" của bóng đá Việt Nam khi sản sinh ra rất nhiều ngôi sao, các tuyển thủ quốc gia ở nhiều lứa tuổi. Trong đó, lứa U19 nổi đình, nổi đám với những Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Trần Hữu Đông Triều, Lê Văn Sơn, Hoàng Thanh Tùng, Lương Hoàng Nam, Phan Thanh Hậu…
Chuyện cũ kể lại, năm 2007, sau khi cùng đội Hải Dương vô địch giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc, Văn Toàn, Văn Thanh và Văn Sơn là những cầu thủ được tuyển thẳng vào Học viện HAGL-Arsenal JMG. Văn Sơn từng được đánh giá là một trong những gương mặt giàu triển vọng của học viện khi cùng với Công Phượng và Tuấn Anh hoàn thành các bài tập ở cấp độ 3 để sớm được mang giày thi đấu và tập luyện.
Tài năng của Lê Văn Sơn đã được thẩm định ngay ở giải đấu đầu tiên, Sanix Cup 2013 tại Nhật Bản. Dù HAGL-Arsenal JMG chỉ đứng thứ 6/16 đội, nhưng có một vinh dự là Lê Văn Sơn lọt vào đội hình xuất sắc nhất giải đấu. Văn Sơn chính là người đã chia sẻ danh hiệu Vua phá lưới giải U19 quốc tế 2013 được tổ chức tại TP.HCM với 3 cầu thủ khác, dù anh là một hậu vệ.
Lê Văn Sơn, hay cái biệt danh gắn với tên bố của anh - "Sơn Út", đã có cho mình những bàn đạp lý tưởng khi thường xuyên được ra sân tại V.League. Ở vị trí hậu vệ cánh phải, cầu thủ người Hải Dương đã phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ đồng đội, nhưng Sơn vẫn trụ vững. Phong độ của Lê Văn Sơn khiến CLB TP.HCM phải móc hầu bao đưa anh về ở mùa giải 2021. Tiếc cho Sơn, anh không có nhiều cơ hội ra sân. Trở lại HAGL rồi gia nhập Bình Dương (cũng theo dạng cho mượn). Trớ trêu thay, Sơn phải ngồi chơi xơi nước cả giai đoạn 1 với lý do Bình Dương "quên" không đăng ký. Cả giai đoạn 2, hậu vệ phải này cũng chỉ đá đúng 28 phút.
Sau hành trình "kiếm cơm" không như ý, Lê Văn Sơn trở lại phố Núi đầu năm 2022. Từ một hậu vệ phải, Kiatisak đã biến Sơn thành một… trung vệ dù anh chỉ cao 1m69. Khi những đồng đội lũ lượt ra đi, Lê Văn Sơn vẫn ở đó. Sơn và Nguyễn Hữu Anh Tài là hai thành viên của lò JMG còn trụ lại. Anh cùng với Châu Ngọc Quang, Trần Minh Vương trở thành những trụ cột của HAGL. Mùa giải năm ngoái, Sơn đá chính 23/26 trận, còn năm nay con số đó đang là 16.
Ở Hàm Rồng, qua bao năm tháng, cây cỏ đổi thay, bao người đến rồi đi, và những triều đại HLV cũng vội vã lướt qua. Ấy vậy mà Lê Văn Sơn vẫn lặng lẽ và cần mẫn. Người ta gọi anh là cựu binh hay là "công thần" nhưng với Sơn, điều đó chẳng quá quan trọng. Điều ý nghĩa nhất và tồn tại duy nhất, Sơn chính là cây cầu nối giữa những thế hệ cầu thủ tài năng, từ những bước đầu gian nan đến những khát khao vươn xa.