Theo thông báo từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, đội bóng này đã quyết định thay đổi thời hạn hợp đồng với các học viên của lò đào tạo. "Nhằm thu hút các lứa cầu thủ trẻ tài năng gia nhập Học viện, đồng thời tạo điều kiện cho các cầu thủ tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp, kể từ ngày 22/8/2024, Học viện sẽ kí hợp đồng đào tạo đối với các học viên mới với điều khoản phục vụ cho câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cho đến hết năm 24 tuổi (thay vì hết năm 28 tuổi như trong hợp đồng đào tạo trước đây)", HAGL cho biết.
Đây là thay đổi đáng chú ý trong hợp đồng đào tạo, hay cụ thể sẽ thay đổi khoảng thời gian ký kết hợp đồng đào tạo giữa HAGL và gia đình, người bảo trợ hoặc với chính cầu thủ… Như đề cập trong thông báo nói trên, HAGL cũng đã công khai những “bí mật” mà mọi người dành sự quan tâm trong suốt những năm qua: Đội bóng của bầu Đức sẽ giữ chân cầu thủ đến năm bao nhiêu tuổi?
Thực tế, những con số đã xuất hiện nhưng không chính thống, khi HAGL chưa bao giờ thừa nhận hay ra một văn bản nào. Bây giờ mọi việc đã rõ, những lứa cầu thủ khoá I và khoá II của HAGL-JMG cũng như năng khiếu HAGL đã phải ký hợp đồng đào tạo trẻ và hợp đồng cống hiến đến năm 28 tuổi.
Đã có những tranh cãi cho rằng, đội bóng của bầu Đức đã vi phạm những điều luật trong bóng đá khi “trói” cầu thủ đến năm 28 tuổi thay vì 23 hoặc 24 tuổi như các đội khác vẫn làm. Rất nhiều ý kiến phản đối nhưng cũng có một số “đồng cảm” với HAGL. Đội bóng phố Núi đã phải bỏ ra rất công sức, tiền bạc để đào tạo những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy… từ khi họ còn là những cậu bé. Thậm chí, HAGL còn phụ cấp cho các gia đình cầu thủ nên việc kéo dài thời gian phục vụ cho CLB âu cũng có lý do riêng. Câu chuyện chỉ “vỡ lẽ” khi HAGL chơi mãi mà không có lấy một danh hiệu, thậm chí phải oằn mình trụ hạng.
Các ngôi sao lớn của HAGL đều gặp nhiều khó khăn trong việc ra đi tìm kiếm một môi trường mới. Các cầu thủ phải chịu thiệt thòi không chỉ về chuyện tiền bạc mà còn bị kìm hãm tài năng trong môi trường thiếu động lực. Thực tế nhiều năm qua, lò đào tạo HAGL không còn là địa chỉ nhận được sự quan tâm của các gia đình học viên. Có thể do Việt Nam đang có rất nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chất lượng. Nhưng một phần là các phụ huynh cũng lo ngại con em mình rơi vào số phận như các “id=ol quốc dân”.
Việc tháo gỡ “vòng kim cô” này được kì vọng sẽ giúp Học viện bóng đá HAGL thu hút được nhiều nhân tài cũng như phần nào giúp các bậc phụ huynh yên tâm khi gửi gắm cầu thủ trẻ đến học viện. Ngoài ra, HAGL khẳng định họ sẽ tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất và sân tập, xây dựng mới phòng phân tích chiến thuật, phòng y học thể thao, buồng oxy cao áp phục hồi thể lực dành cho các cầu thủ sau mỗi buổi tập, thi đấu. Họ cũng áp dụng giáo án chuẩn châu Á cho các HLV và học viên…
Những thay đổi của HAGL và đối tác tài trợ hứa hẹn mang đến những bước ngoặc lớn trong công tác đào tạo trẻ. Càng hy vọng hơn khi lứa U17, 19 và U21 HAGL đã đạt được những thành tích ấn tượng trong thời gian qua. Tất nhiên, nếu đội một thi đấu tốt tại V.League thì hiệu ứng này sẽ càng lan tỏa hơn.