3 môn phối hợp suýt chuyển thành 2 môn
Những ngày qua, thông tin sông Seine bị ô nhiễm nặng đã trở thành đề tài nóng của Olympic Paris 2024, dẫu những nhà tổ chức đã cố gắng làm sạch nó từ trước thềm Thế vận hội. Do sông Seine ô nhiễm, nên dẫu bà Anne Hid=algo – Thị trưởng thủ đô Paris, và nhiều chính khách đã bơi trong dòng sông để chứng minh nguồn nước sạch, nhưng các tuyển thủ của 3 môn phố hợp (triathlon) vẫn không thể tập luyện tại sông Seine.
Thậm chí ngày thi đấu của môn này lẽ ra diễn ra vào ngày 30/7 nhưng đã phải dời lại vào ngày kế tiếp (31/7), và có thêm một ngày dự phòng (2/8). Chưa kể đã có ý kiến từ BTC khả năng sẽ chuyển từ 3 môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ) sang 2 môn phối hợp (duathlon): xe đạp và chạy bộ, nếu nước sông Seine không được cải thiện.
Rất may là sau khi kiểm tra nước sông Seine lần cuối vào đêm 30/7 (theo giờ địa phương), nước sông đã đạt yêu cầu để có thể tiến hành tổ chức 3 môn phối hợp theo dự kiến ban đầu. Do đó, sáng qua (31/7), các tuyển thủ đã bước vào thi đấu ở 3 môn phối hợp. Việc tổ chức được môn đấu này đúng kế hoạch khiến những nhà tổ chức thở phào, nhưng vẫn có nhiều ý kiến nghi ngại liệu nước sông có đạt tiêu chuẩn, hay chỉ là do những nhà tổ chức “cố đấm ăn xôi”?
Không lắp điều hòa để bảo vệ môi trường, nhưng thuê thì được
Những ngày qua, các tuyển thủ tham dự Olympic 2024 đã than phiền rằng phòng nghỉ của họ tại làng Olympic không gắn máy lạnh dù mùa hè tại Paris không quá mát mẻ, khiến họ rất khó ngủ. Theo những nhà tổ chức Olympic 2024, họ không lắp điều hoà là để bảo vệ mọi trường nhằm giảm thiểu phát thải khí carbon.
Mặc dù không trang bị điều hòa, nhưng BTC cũng thông báo, các đoàn thể thao hoàn toàn có thể tự lắp đặt hệ thống làm mát tùy chọn và phải tự túc chi phí. Do đó, nhiều đoàn Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và Indonesia đã tự chuẩn bị máy điều hòa để lắp đặt tại phòng cho các VĐV của họ.
Ông Matt Carroll - Chủ tịch Uỷ ban Olympic Australia, tỏ ra bức xúc: “Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng không dùng máy điều hòa để giảm lượng khí thải carbon, nhưng đây là Thế vận hội thể thao thi đấu với tần suất cao, chứ không phải đi dã ngoại”. Sau đó, ông Matt Carroll lập tức chi 100.000 USD để lắp đặt điều hòa cho các VĐV của mình.
Mới đây, tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh của đoàn thể thao Việt Nam cũng đã than thở: “Nóng như thế này, nhưng phòng ngủ lại không có điều hoà. Chưa kể đi cả cây số để tìm đồ uống có đá, nhưng toàn nhận được những cái lắc đầu rằng không có đá”. Có lẽ đây là lần đầu tiên các tuyển thủ thể thao gặp trường hợp oái oăm như thế khi dự Olympic.
Nhà trẻ ngay trong làng Olympic
Ngoài những oái ăm kể trên, làng Olympic cũng có một điều đặc biệt rất được các nữ tuyển thủ ủng hộ đấy là các khu nhà trẻ dành cho các mẹ bỉm sữa. Khu nhà trẻ này do ngôi sao điền kinh Allyson Felix (Mỹ) khởi xướng, nhằm chăm sóc con nhỏ cho các nữ tuyển thủ để họ có thể yên tâm thi đấu.
Felix hiện đang là ủy viên IOC, cho hay: "Tôi biết việc thi đấu đỉnh cao sau khi sinh con khó khăn như thế nào, nên khi gia nhập Ủy ban VĐV IOC, tôi muốn lên tiếng thay các bà mẹ VĐV và san sẻ gánh nặng với họ. Ý tưởng này truyền tải thông điệp tới phụ nữ, rằng bạn có thể làm mẹ mà vẫn có thể thi đấu thể thao đỉnh cao".
Khu nhà trẻ được xây dựng ở trung tâm làng VĐV, nơi đây cung cấp tã, khăn ướt và là nơi các VĐV có thể vui chơi, cho con bú trong không gian yên tĩnh. Đây là lần đầu tiên làng Olympic có nhà trẻ cho các tuyển thủ thể thao và điều này nhận được nhiều sự ủng hộ của các bà mẹ bỉm sữa.