Việc Yoro đến MU khiến làng bóng đá châu Âu đặc biệt chú ý, không chỉ vì tài năng của cầu thủ tuổi teen này, mà còn bởi mức giá đáng kinh ngạc của anh. Để sở hữu chữ ký của Yoro, đội chủ sân Old Trafford đã phải chi tới 62 triệu bảng. Bởi, nếu không móc hầu bao một khoản lớn như vậy, Quỷ đỏ thành Manchester khó lòng cạnh tranh với Real Madrid= trong thương vụ này.
Tuy nhiên, việc MU “chơi lớn” như vậy để mang về một tài năng trẻ từ Ligue 1 lại hoàn toàn hợp logic, và nằm trong xu thế mua sắm chung của các đội bóng Premier League trong suốt 1 thập kỷ qua. Tức là, Pháp đã trở thành thị trường cầu thủ lớn nhất của giải Ngoại hạng Anh.
Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, Ligue 1 là nơi mà các CLB Premier League chi nhiều tiền mua cầu thủ nhất, nhiều hơn bất kỳ giải đấu nào khác. Chi phí tổng cộng lên tới 1,81 tỷ bảng Anh trong 10 năm qua. Con số này rất có thể vọt lên mức 2 tỷ bảng trong 6 tuần tới của phiên chợ hè 2024. Và trong 10 năm qua, đã có 145 cầu thủ gia nhập Premier League từ các đội bóng Ligue 1.
La Liga của Tây Ban Nha hay Bundesliga của Đức cũng chiếm lượng lớn các cầu thủ trong 10 năm qua tại Ngoại hạng Anh, nhưng vẫn phải xếp sau Ligue 1. Cần nhấn mạnh rằng, La Liga từng là nơi các CLB Premier League chi nhiều tiền nhất. Cụ thể, trong 10 năm từ mùa 2004/05 đến mùa 2013/14, giải đấu số 1 xứ sở đấu bò thu hút nhiều tiền chuyển nhượng nhất từ Ngoại hạng Anh, với số tiền nhiều hơn 27% so với ở Pháp.
Đến 10 năm tiếp theo, La Liga vẫn là thị trường được ưa chuộng, với 1,76 tỷ bảng cho các cầu thủ từ giải đấu này, nhưng Bundesliga đã gần bắt kịp với 1,72 tỷ bảng. Trong những kỳ chuyển nhượng gần nhất, các phi vụ đáng chú ý hầu hết là những “bom tấn” từ RB Leipzig, bao gồm Josko Gvardiol (Man City), Christopher Nkunku (Chelsea) và Dominik Szoboszlai (Liverpool).
Đáng ngạc nhiên hơn, chỉ tính từ năm 2018, thì các CLB Anh đã chi tới 1,26 tỷ bảng cho các cầu thủ Bundesliga, nhỉnh hơn một chút so với Ligue 1. Serie A cũng là một thi trường màu mỡ thu hút sự chú ý của Premier League. Tính riêng hè 2023, họ đã thu về hơn 300 triệu bảng phí chuyển nhượng. Nhưng so ra với Ligue 1, La Liga và Bundesliga, thì Serie A vẫn kém xa, với 1,48 tỷ bảng trong 10 năm qua.
Giải VĐQG Pháp bị đánh giá thấp nhất trong số 5 giải đấu hàng đầu, nhưng Ligue 1 vẫn tiếp tục đóng vai trò “nhà máy sản xuất” tài năng chính của châu Âu. Theo Transfermarkt, ở 19 trong 20 năm gần đây, mỗi năm có ít nhất 10 cầu thủ được các đội bóng Premier League mua về từ Ligue 1. Tính riêng mùa 2022/23, có tổng cộng 22 cầu thủ với số tiền lên đến 312 triệu bảng, nhiều hơn tổng số tiền mua sắm của các CLB Pháp.
Trong quá khứ, đã có rất nhiều phi vụ thành công rực rỡ. Tất nhiên, những năm gần đây cũng vậy, với hàng loạt tên tuổi như Gabriel Magalhaes (Arsenal), Bruno Guimaraes (Newcastle), William Saliba (Arsenal), Amadou Onana (Everton rồi Aston Villa), Bernardo Silva (Man City)... Nhưng vì sao Pháp lại trở thành “vựa cầu thủ” lớn nhất của các CLB Anh?
Theo các chuyên gia của The Athletic, thể chất của các cầu thủ Ligue 1 dễ đáp ứng với Premier League và việc đàm phán với CLB Pháp thường tiến triển nhanh, là hai trong các nguyên do chính. Từ Eric Cantona, David= Ginola trước đây, rồi đến những Eden Hazard, Olivier Giroud và Gabriel, Bruno Guimaraes hiện tại, tất cả đều nhanh chóng thích nghi với môi trường chơi bóng tại Anh, cả về sức mạnh thể lực lẫn tố chất kỹ thuật.
Việc bóng đá Pháp luôn có những cầu thủ trẻ, giàu tiềm năng cũng là một điểm khác thu hút sự chú ý đặc biệt của các đội bóng Anh. Theo báo cáo thường nên của UEFA, ở mùa giải 2021/22, các cầu thủ U23 chiếm tới 39% tổng số phút thi đấu tại Ligue 1. Qua đó, Ligue 1 trở thành giải đấu trẻ nhất trong số 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. Trong khi con số tương tự tại Premier League và La Liga chỉ là 26% và 20% (tính các cầu thủ U24).
Bên cạnh đó, việc bản quyền truyền hình giảm sút đáng kể so với La Liga, Premier League, Bundesliga hay Serie A cũng khiến áp lực tài chính đè nặng lên các đội bóng Ligue 1. Vì thế, bán cầu thủ trở thành nguồn thu chính, thậm chí còn là mô hình kinh doanh của nhiều CLB. Lille là điển hình nhất. Ngoài việc bán Yoro cho MU vừa qua, trong 5 năm qua, đội bóng đứng thứ tư Ligue 1 mùa 2023/24 đã thu về 250 triệu bảng từ việc bán cầu thủ cho các CLB Premier League, trong đó có những Sven Botman, Carlos Baleba, Onana, Gabriel và Nicolas Pepe.
Lyon cũng là một CLB rất biết kiếm tiền của bóng đá Pháp. "Mãnh sư" đã thu về 200 triệu bảng từ năm 2019 đến nay, với những cầu thủ như Lucas Paqueta (sang West Ham), Bruno Guimaraes (Newcastle) và Tanguy Ndombele (Tottenham).
Ligue 1 thường chi tiêu, mua sắm ít hơn rất nhiều so với các giải đấu còn lại, ngoại trừ gã nhà giàu PSG. Họ là đội bóng Pháp duy nhất lọt vào Top 10 có doanh thu lớn nhất châu Âu của Football Money League - BXH doanh thu mỗi mùa của các CLB hàng đầu do hãng kiểm toán Deloitte thống kê từ năm 1998. Marseille xếp thứ 20 trong danh sách năm 2024, còn Lyon xếp thứ 29.
Phần còn lại của Ligue 1 không được hưởng doanh thu tại các sân chơi châu Âu, nên bán cầu thủ trở thành nguồn thu gần như duy nhất. Điều đó lý giải vì sao họ không thể cưỡng lại được những lời đề nghị hấp dẫn từ các CLB Anh, và cũng dễ “nhả người” hơn so với các đội bóng của Serie A, Bundesliga hay La Liga.