Ngoại hạng Anh chi nhiều nhưng có chất không? Chất chứ. Hai bản hợp đồng lớn nhất từ đầu Hè cũng thuộc về Premier League là Leny Yoro và Amadou Onana. Và điều đáng chú ý là Premier League chỉ mua 72 tân binh, đứng thứ 4 trong 5 giải hàng đầu. Điều đó cho thấy giá trung bình một tân binh tại Premier League cao thế nào.
Vụ chuyển nhượng Onana từ Everton sang Aston Villa với giá 60 triệu euro đã đẩy Premier League vượt qua một cột mốc mang tính biểu tượng trong mùa Hè này: đó là chi hàng tỷ euro cho việc tậu tân binh. Con số này nhiều hơn Bundesliga (403,53 triệu euro), Ligue 1 (293,29 triệu euro) và La Liga (180,44 triệu euro) cộng lại.
Trước tiền vệ người Bỉ, nhiều vụ chuyển nhượng trị giá hơn 30 triệu euro góp phần lớn đưa Ngoại hạng Anh trở thành giải đấu chi nhiều nhất. Ví dụ như sự xuất hiện của Joshua Zirkzee và Yoro tại MU, với giá lần lượt là 43 và 63 triệu euro, chẳng hạn.
Để đạt được số tiền mua sắm lớn như vậy, 5 giải vô địch lớn của châu Âu đã hoàn thành 421 vụ chuyển nhượng trong vài tuần, bao gồm cả các vụ mua bán nội bộ giải đấu. Nhưng để vượt mốc tỷ euro, Premier League không cần số lượng lớn cầu thủ. Kể từ khi TTCN mở cửa ngày 14/6, họ chỉ ghi nhận 72 tân binh, trong khi Serie A (109) hay Bundesliga (102) đã ký thêm nhiều giao kèo mới.
Premier League mua giá cầu thủ cao hơn
Ít tân binh hơn nhưng chi nhiều tiền hơn có nghĩa là Premier League đã trả nhiều tiền hơn cho những cầu thủ mới đến. Có thể thấy 15/25 vụ mua sắm cao nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè này là cho các CLB Anh. Ngoài Onana, Yoro và Zirkzee đã đề cập ở trên, còn có Ian Maatsen, Archie Gray, hay thậm chí là cầu thủ người Gambia Yankuba Minteh cũng nằm trong danh sách khi Brighton phải tới 35 triệu euro Newcastle cho cầu thủ 20 tuổi chưa từng đá trận nào tại Ngoại hạng Anh nào này.
Các CLB Anh có sức mua lớn một phần nhờ tiền bản quyền truyền hình khổng lồ từ Premier League. Giải đấu này được bán với số tiền kỷ lục lên tới 7,8 tỷ euro trong 4 năm, tương đương 1,95 tỷ/năm kể từ mùa giải 2025/26. Hợp đồng hiện tại cho giai đoạn 2022-2025, đã lên tới 5,8 tỷ euro trong 3 năm.
Trung bình, một cầu thủ ký hợp đồng với một CLB ở giải Ngoại hạng Anh hè 2024 có giá 14,5 triệu euro. Một số tiền cao hơn nhiều so với mức trung bình 5,05 triệu cho mỗi tân binh ở Ligue 1, hơn 4,6 triệu ở Serie A hay 3,9 triệu ở Bundesliga. La Liga chỉ dừng ở mức 2,25 triệu euro/tân binh.
Cầu thủ có giá cao nhất ở mỗi Top 5 giải vô địch châu Âu cũng cho thấy khoảng cách về nguồn lực và khả năng chi tiêu giữa các quốc gia. Ở Anh, cầu thủ trẻ người Pháp Leny Yoro (18 tuổi) gia nhập MU từ Lille với giá 63 triệu euro (đã bao gồm tiền thưởng) hiện là tân binh đắt giá nhất Hè 2024. Trong khi tại Pháp, không có thương vụ nào vượt quá Moussa Niakhate của Lyon với 31,9 triệu euro. Ở Italia là vụ Alessandro Buongiorno, từ Torino sang Napoli với giá 32,2 triệu euro.
Còn tại Đức và Tây Ban Nha, sự xuất hiện của cầu thủ người Pháp Michael Olise tại Bayern Munich (60 triệu euro) và Endrick người Brazil tại Real Madrid= (48 triệu euro, ký hợp đồng 18 tháng trước và chính thức đến vào Hè này ) hiện là mức cao nhất ở Bundesliga và La Liga.
Premier League cũng đứng đầu về doanh thu bán cầu thủ
Giải ngoại hạng Anh mua đắt và bán đắt, và cả hạng Nhất Anh cũng vậy. Premier League và Championship xếp thứ 1 và 4 trong số những giải đấu thu về nhiều tiền nhất từ bán cầu thủ kể từ khi "phiên chợ" Hè 2024 bắt đầu, với lần lượt 757,43 và 199,78 triệu euro. Serie A ở vị trí thứ hai với 376,61 triệu euro. Ligue 1 đứng thứ ba (257,12 triệu euro).
Premier League không phải là giải đấu bán nhiều nhất mà là giải đấu bán được giá nhất. Ý đã bán 128 cầu thủ, so với 110 của Ngoại hạng Anh, nhưng kiếm được ít tiền hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với La Liga, nơi bán được ít hơn một chút (104), nhưng vẫn kém xa về mặt doanh thu.
Thứ hạng đáng kinh ngạc của hạng Nhất Anh có thể được giải thích bằng việc bán những cầu thủ vừa xuống hạng hoặc suýt chút nữa được thăng hạng, như Leeds bán Archie Gray cho Tottenham và Luis Sinisterra cho Bournemouth. Các CLB hạng trung ở Premier League cũng bán cho các đội bóng lớn nước ngoài.
3 trong số 5 vụ chuyển nhượng lớn nhất trong "phiên chợ" Hè này đều được thực hiện bởi các đội bóng Anh, như Michael Olise từ Crystal Palace tới Bayern, Douglas Luiz từ Aston Villa tới Juventus và Palhinha từ Fulham tới Bayern. Tất cả các thương vụ này đều lấp đầy ngân sách cho các đội bóng Anh để giúp họ luôn có sẵn tiền để tái đầu tư vào các vụ mua khác.