Asian Games là đấu trường lớn của châu lục, ở đấy thỉnh thoảng nước chủ nhà cũng đưa vào những môn mang tính chủ đạo của họ, mới nhất là Indonesia 2018 đưa vào pencak silat, nhưng không nhiều và phải được Uỷ ban Olympic châu Á xem xét rất kỹ. Vì vậy, Á vận hội vẫn là đấu trường danh giá của thể thao châu lục. Vì vậy, không ngạc nhiên khi giới chuyên môn đặt câu hỏi: Việt Nam đứng đầu khu vực tại SEA Games, nhưng liệu xếp thứ mấy ở Asian Games? Vì không ít lần chúng ta đứng đầu Đông Nam Á, nhưng lại rơi xuống thứ 4 hoặc 5 ở châu lục.
Vậy nên, thử nhìn thành tích của đoàn Việt Nam tại SEA Games 32 để nhận định cho đấu trường Asian Games 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới.
Điền kinh Việt Nam đang đứng đâu?
Những năm gần đây, điền kinh Việt Nam đã có HCV tại Asian Games. Gần nhất vào năm 2018, điền kinh Việt Nam giành được 2 HCV và 3 HCĐ. Theo đó, 2 HCV thuộc về Quách Thị Lan (400m rào, thành tích 55”30) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa, thành tích 6,55m) và 3 HCĐ của Nguyễn Thị Oanh (3.000 CNV, thành tích 9’43”83), 4x400m cùng với Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng và Hoàng Thị Ngọc (3’33”23), Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước, 13,93m).
Dẫu vậy, nhìn vào thành tích của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32, nhiều người cảm thấy lo vì đang có khoảng cách quá xa so với nhóm của huy chương tại Á vận hội. Cần nói thêm, nội dung 400m tại Asian Games 2018, Quách Thị Lan xếp thứ nhì nhưng do đối thủ bị tước HCV vì dính doping, nên cô được đôn lên số 1. Tuy nhiên, tại Asian Games sắp tới, Lan cũng không thể có mặt do doping. Chưa kể tại SEA Games mới đây, nội dung 400m của cô đã bị đối thủ Malaysia vượt mặt với thành tích 52”53. Còn ở nội dung nhảy xa, Bùi Thị Thu Thảo giờ chỉ đứng nhì Đông Nam Á, thành tích mới nhất là 6,13m.
SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh là cái tên nổi trội nhất của điền kinh Việt Nam khi giành 4 HCV nội dung 1.500m, 5.000m, 10.000m và 3.000m CNV, trong đó 3.000m CNV là nội dung thế mạnh từng giúp cô giành HCĐ tại Asian Games 2018. Tuy nhiên, thông số 10’34”37 mà Oanh giành HCV 3.000m CNV tại SEA Games 32 lại quá thấp nếu so với thành tích HCĐ của cô cách đây 5 năm. Nhiều người cho rằng, do 2 nội dung 1.500m và 3.000m CNV tổ chức quá cận nhau nên khó đòi hỏi thành tích cao, nhưng nếu không tập trung tốt nhất cho thế mạnh của mình, Oanh sẽ rất mệt.
Bơi chỉ trông vào Huy Hoàng
Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam phá 14 kỷ lục SEA Games, nhưng chỉ có 2 kỷ lục bơi của Pham Thanh Bảo ở 100m (1’00”97) và 200m (2’11”45) ếch, nhưng thông số thành tích này vẫn rất kém rất xa nhóm có huy chương Asian Games. Do đó Á vận hội sắp tới, niềm hy vọng tranh đoạt huy chương của bơi Việt Nam có lẽ chỉ trông vào kình ngư Nguyễn Huy Hoàng.
Tuy nhiên, nhìn thông số thành tích của Huy Hoàng trên đất Campuchia vừa qua, người ta lại càng âu lo, bởi HCV nội dung 1.500m của Hoàng tại SEA Games với thành tích 15’11”24 thực sự kém quá xa so thông số 15’01”63 từng giúp anh giành HCB tại Asian Games 2018. Vì thế, nếu không cải thiện thành tích, khả năng Huy Hoàng trắng tay tại Á vận hội rất lớn.
Ngoài việc tranh đoạt thành tích tại Asian Games sắp tới, nhiệm vụ của các tuyển thủ bơi Việt Nam còn phải giành vé đến Olympic vào năm sau. Vì vậy có thể hiểu tại SEA Games 32, điều Huy Hoàng tiếc nuối nhất sau khi giành HCV nội dung 1.500m chính là chưa đạt chuẩn để giành vé đến Paris 2024, bởi chuẩn A nội dung này là 15’00”99, tức còn cao hơn thành tích HCB của Hoàng cách đây 5 năm tại Á vận hội.
Vừa giành huy chương Asian Games, vừa tranh vé đến Olympic Paris 2024, một nhiệm vụ chẳng đơn giản với các kình ngư Việt.
Cử tạ và các môn còn lại
Cử tạ vốn là thế mạnh của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic và các lực sĩ Việt đã làm được điều này tại Olympic Bắc Kinh 2008 và Olympic London 2012. Vì vậy, vừa qua đội tuyển cử tạ Việt Nam đã chia 2 đội hình để thi đấu tại giải vô địch châu Á tại Hàn Quốc và SEA Games 32 tại Campuchia. Sở dĩ thế, vì giải vô địch châu Á 2023 nhằm giành vé đến Olympic Paris vào năm sau, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng với các đô cử Việt Nam.
Cử tạ Việt Nam vừa giành 4 HCV tại SEA Games 32, nhưng thực tế thành tích của các nội dung kể trên đều kém quá xa so với thành tích Asian Games. Trong 14 thành tích kỷ lục SEA Games của đoàn Việt Nam có 4 kỷ lục cử tạ, riêng đô cử Nguyễn Quốc Toàn phá 3 kỷ lục ở hạng cân 89 kg với tổng thành tích là 345 kg. Tuy nhiên, tại giải vô địch châu Á vừa mới kết thúc, tuyển thủ Li Dayin (Trung Quốc) giành HCV hạng cân 89 kg với thành tích 396 kg. Từ giải vô địch châu Á 2023, những người có trách nhiệm của cử tạ Việt Nam sẽ cái nhìn thực tế để chuẩn bị cho tốt tại Asian Games sắp tới.
Ngoài ra, những môn còn lại như TDDC, xe đạp, karatedo, judo, wushu… dẫu có thành tích rất ổn tại SEA Games 32 vừa qua, nhưng sẽ gặp thách thức cực lớn tại Á vận hội tới khi sẽ đối đầu với những nhà vô địch thế giới ở chính những môn đấu này.