Tại Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 39 thành viên, trong đó có 16 tuyển thủ gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).
Trong số này, trừ 2 gương mặt đến Paris theo diện đặc cách là Mỹ Tiên (bơi) và Nhi Yến (điền kinh), 14 tuyển thủ còn lại có mặt tại Thế vận hội bằng cách giành vé chính thức và trên lý thuyết đấy đều là những niềm hy vọng của thể thao Việt Nam. Dẫu vậy, những môn như bơi, rowing, canoeing, judo, boxing, xe đạp, cầu lông của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn với thế giới, nên các tuyển thủ của chúng ta chỉ dừng ở mức nỗ lực vượt qua chính mình. Vì thế, 3 môn được xem là hy vọng nhất của đoàn Việt Nam đặt vào bắn cung, bắn súng và cử tạ.
Trong số này, bắn súng được xem là hy vọng lớn nhất, bởi Việt Nam từng giành 1 HCV và 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016. Do đó ở đại hội lần này, khi nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh giành vé đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam đến Paris hồi năm ngoái ở nội dung 10m súng ngắn hơi và đứng thứ 4 thế giới, cô chính là niềm hy vọng số 1 của Việt Nam tại đại hội.
Theo đó, lịch thi đấu của Thu Vinh sẽ diễn ra chiều 27/7 và biết đâu xạ thủ này sẽ làm nên bất ngờ. Ngoài Thu Vinh, nữ xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền cũng tranh tài ở 10m súng trường hơi nữ, nhưng nội dung này Tuyền chỉ nằm trong nhóm đầu của châu Á, nên hy vọng đặt vào cô không quá cao.
Ngoài bắn súng, cử tạ là hy vọng thứ 2, bởi đây từng được xem là môn thế mạnh và Việt Nam có 2 tuyển thủ giành huy chương Olympic là Hoàng Anh Tuấn (ở đại hội năm 2008) và Trần Lê Quốc Toàn (ở Olympic 2012). Vì thế, khi Trịnh Quang Vinh giành vé đến Paris 2024 cho cử tạ Việt Nam, anh chính là niềm hy vọng lớn. Theo lịch, Quang Vinh sẽ bước vào tranh tài ở ngày 8/8 và nếu có phong độ và ý chí thi đấu cao nhất, biết đâu anh sẽ tiếp bước vinh quang của các đàn anh đi trước.
Bắn cung cũng là môn được kỳ vọng huy chương của Việt Nam, nhưng niềm hy vọng lớn nhất có lẽ tập trung vào cung thủ nam Lê Quốc Phong, bởi thành tích của anh đang nằm ở nhóm đầu thế giới, trong lúc đồng đội của anh là Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã có mặt tại Paris là một bất ngờ ngoài dự đoán. Tuy nhiên, trong một ngày hưng phấn và thi đấu tốt, biết đâu cả 2 tuyển thủ Việt Nam sẽ làm nên chuyện.
Hy vọng là thế, nhưng tại đấu trường Olympic việc tranh đoạt huy chương chẳng hề đơn giản, bởi đấy là cả một quá trình chuẩn bị nghiêm túc và lâu dài. Tuy nhiên, Việt Nam từng có “truyền thống” giành huy chương Olympic cách nhau 8 năm: bắt đầu từ 2000, sau đó đến 2008, rồi 2016 và nay là 2024, nên biết đâu bất ngờ…