Bartomeu đã phá nát Barca
“Tội của Josep Bartomeu nhiều không kể xiết. Hắn ta đã phá nát Barca và đẩy CLB đến bên bờ vực phá sản. Hậu quả của những gì mà thằng cha “lưu manh giả danh trí thức” này gây ra sẽ còn ảnh hưởng đến Barca trong rất nhiều năm sau nữa. Thực lòng, tôi đang có ý định kiện hắn ra tòa…”, đó là những gì mà đương kim chủ tịch Joan Laporta đã tuyên bố sau khi nhậm chức chủ tịch đội bóng xứ Catalunya năm 2021.
Theo lời của ông Laporta, di sản mà Bartomeu để lại sau 6 năm lãnh đạo Barca là khoản nợ khổng lồ lên đến con số khó tin 1,35 tỷ euro. Cùng với đó là thành tích thể thao ngày càng “phú quý giật lùi”, khiến đội bóng xứ Catalunya bay khỏi tốp đầu trong danh sách những CLB có giá trị thương hiệu đắt giá nhất hành tinh. Thậm chí vài năm trở lại đây, nhiều đối tác thân thiết thường xuyên tìm cách tránh Barca như tránh một “con hủi”.
Giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử của Barca bắt đầu từ tháng 7/2015. Đó là thời điểm mà Josep Bartomeu chính thức được bổ nhiệm làm chủ tịch CLB, sau gần 1 năm thử thách trong vai trò tạm quyền. “Gã Nô-bi-ta” ngồi vào chiếc ghế quyền lực số 1 ở Camp Nou chỉ chưa đầy 1 tháng, sau khi Barca giành chức vô địch Champions League để hoàn tất “cú ăn ba” lịch sử ở mùa 2014/15 dưới sự dẫn dắt của HLV Luis Enrique.
Đốt tiền khủng khiếp
Bartomeu đã rất may mắn tiếp quản Barca đang trong giai đoạn thịnh vượng. Nếu khéo chèo lái, ông ta hoàn toàn có thể kéo dài sự thống trị của đội nhà ở cả đấu trường trong nước lẫn quốc tế để trở thành một trong những vị chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử CLB. Tiếc là “Gã Nô-bi-ta” không đủ cả tài lẫn tầm, đã vậy lại lắm “mưu hèn, kế bẩn” khiến người tài lũ lượt ra đi, đỉnh điểm là vụ siêu sao Lionel Messi gạt lệ để gia nhập PSG trong mùa Hè năm 2021.
Dưới triều đại của Bartomeu, Barca bỗng dưng trở nên hồ đồ trên thị trường chuyển nhượng. Dù kiếm được không ít từ việc bán cầu thủ, điển hình là vụ để ngôi sao Neymar gia nhập PSG mùa Hè năm 2017 với giá 222 triệu euro, nhưng tiền vào túi kẻ ngốc thì cũng nhanh chóng “đội nón ra đi”. Những khoản đầu tư điên rồ đến mức vô lý như các vụ chiêu mộ Arda Turan, Ousmane Dembele, Philippe Coutinho hay Antoine Griezmann… đã vắt kiệt ngân sách của CLB xứ Catalunya.
Quỹ lương của CLB cũng bị phình to dưới sự quản lý yếu kém của Bartomeu và những người mà “Gã Nô-bi-ta” đặt niềm tin. Từng có thời kỳ, Barca trở thành đội bóng trả lương cho cầu thủ hào phóng nhất thế giới. Cá biệt, siêu sao Lionel Messi có năm được đặc cách tăng lương vài lần. Chẳng nói đâu xa, trong năm 2023, Barca đứng đầu trong danh sách các đội bóng có quỹ lương khủng nhất thế giới theo thống kê của 90min với tổng chi là 639 triệu euro. Trong đó, tiền vệ Frenkie de Jong là cầu thủ nhận lương hậu hĩnh nhất, khoảng 25 triệu euro/năm.
Chính bởi mua sắm và trả lương vô tội vạ, Barca đã phải nếm trái đắng khi dịch Covid=-19 bùng phát toàn cầu. Các trận đấu bóng đá phải tạm dừng, các đối tác cắt hợp đồng, hoạt động kinh doanh đình trệ, cùng hàng loạt khoản thất thu khác khiến CLB xứ Catalunya lao đao về tài chính. Kể từ giai đoạn cuối của triều đại Bartomeu cho đến những năm đầu trong nhiệm kỳ của chủ tịch Laporta, Barca thường xuyên phải điều đình với các trụ cột để họ đồng ý cắt giảm lương nhằm chia sẻ khó khăn về kinh tế với đội bóng.
Vụ việc tiền vệ Ilkay Gundogan rời Camp Nou chỉ sau 1 năm gia nhập để quay trở lại đội bóng cũ Man City đã lột trần bộ mặt thật của Barca. Đội bóng xứ Catalunya mới đây buộc phải để cựu tuyển thủ Đức ra đi dưới dạng miễn phí, nhằm cắt giảm quỹ lương, tạo khoảng trống để kịp đăng ký cho tân binh Dani Olmo tham dự La Liga mùa 2024/25. Đáng xấu hổ hơn, Gundogan tuyên bố “cho không biếu không” Barca khoản tiền lương mà họ đang nợ anh để sau đó chấm dứt mọi liên hệ. Trước Gundogan, Messi (sau khi gia nhập PSG) cũng từng tuyên bố xóa nợ cho Barca khoản tiền lương hơn 30 triệu euro mà họ đã nợ anh.
Nhân cách méo mó
Còn nhớ trong một cuộc nói chuyện trước truyền thông, khi đề cập đến người tiền nhiệm Bartomeu, đương kim chủ tịch Laporta còn tỏ ý nghi ngờ ra, một khoản tiền không nhỏ từ CLB xứ Catalunya đã chảy trực tiếp vào túi của “Gã Nô-bi-ta”. Theo phân tích của ông Laporta, Bartomeu đã “bòn rút” tiền của Barca thông qua những khoản tham nhũng, nhận hối lộ, những vụ ăn chênh hoa hồng hay chia chác các hợp đồng kinh tế… Ngoài ra, dưới lăng kính của một luật sư, Laporta còn nghi ngờ Bartomeu đã thành lập ra những công ty vệ tinh quanh Barca để lái dòng tiền qua đó, rồi trục lợi bất hợp pháp.
Nói trắng ra, Bartomeu đã “ăn bẩn”. Không những vậy, ông này còn “ở bẩn”. Đã rất nhiều lần, các trụ cột của Barca tố chủ tịch CLB lừa dối họ, trong đó có vụ tiền đạo Messi xuất hiện trước ống kính truyền hình, công khai cáo buộc “Gã Nô-bi-ta” đặt điều, ăn không nói có. Đỉnh điểm cho sự méo mó về nhân cách của Bartomeu là việc ông này bị phát hiện đã chi “tiền bẩn” cho I3 Ventures để công ty truyền thông này đẩy các bài viết nói xấu các thành viên của Barca đã và đang chống đối hoặc không hợp mắt ban lãnh đạo.
Gần đây nhất, truyền thông xứ sở bò tót bất ngờ bối lại một bê bối trong thời kỳ Bartomeu còn ngồi ghế chủ tịch Barca. Đó là khoản tiền thường xuyên và liên tục được đội bóng xứ Catalunya chuyển khoản trực tiếp cho trưởng ban tổ chức trọng tài Jose Maria Enriquez Negreira. Theo cáo buộc, đó là những khoản mà Barca khi đó đã “làm luật” nhằm được ưu ái trong việc bố trí trọng tài ở các trận mà họ thi đấu, thậm chí để các “Vua áo đen” xử ép các đối thủ của đội bóng chủ sân Camp Nou. Cảnh sát đã vào cuộc điều tra vụ này và từng có thời điểm, xuất hiện luồng dư luận đòi tước bỏ 3 chức vô địch La Liga của Barca trong nhiệm kỳ chủ tịch của ông Bartomeu.
Barca vẫn đang còng lưng giải quyết hậu quả
Sự yếu kém trong quản lý cũng như làm kinh tế, cũng như sự bất minh về tiền bạc của Bartomeu đã khiến ông này chịu sự chỉ trích dữ dội. Tháng 10/2020, trước sức ép rất lớn từ dư luận, đặc biệt sau vụ 16 nghìn thành viên của hội đồng CLB bỏ phiếu bất tín nhiệm, “Gã Nô-bi-ta” buộc phải tuyên bố từ chức vài tháng trước khi hết hạn nhiệm kỳ. Các tay chân thân tín của Bartomeu tất nhiên cũng cùng chung số phận, sau khi họ chung tay hoàn tất sứ mệnh tàn phá Barca.
Bartomeu sau đó phải trả giá đắt, khi bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ để phục vụ điều tra. Chung số phận với người tiền nhiệm Sandro Rosell, “Gã Nô-bi-ta” đã phải ngồi sau song sắt một thời gian, trước khi được luật sư nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại.
Dù chuyện của Bartomeu đã là quá khứ, nhưng hậu quả của nó kéo dài đến tận bây giờ và sẽ còn khiến tương lai của Barca trở nên hết sức mù mịt. Sau khi tiếp quản ghế chủ tịch CLB, ông Laporta đã vận dụng rất nhiều giải pháp để dần gỡ rối. Đáng chú ý, ông đã nhiều lần sử dụng “đòn bẩy tài chính”, hiểu nôm na là bán tương lai của Barca để lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, Barca đến nay vẫn không thể ngóc đầu. Đội chủ sân Camp Nou vẫn đang nợ như Chúa Chổm và liên tục vi phạm quy định về mức lương trần mà ban tổ chức La Liga áp cho họ trước mỗi mùa giải.
Thế nên, gọi Josep Bartomeu là “tội nhân thiên cổ” của Barca cũng chẳng hề sai!