ĐỘI TUYỂN HÀ LAN
- Năm thành lập: 1905
- Ra sân nhiều nhất: Wesley Sneijder (134)
- Ghi bàn nhiều nhất: Robin van Persie (50)
- Đội trưởng: Virgil van Dijk
- Vị trí BXH FIFA: 7
Thiếu vắng HLV tài năng
Trong 38 nhà cầm quân từng dẫn dắt đội tuyển Hà Lan từ xưa tới nay, thật ngạc nhiên, có tới hơn 1/4, hay chính xác là 10 người từng ra đi rồi trở lại vị trí ít nhất một lần. Và người thứ 10 được đếm tên, chính là HLV đương nhiệm Ronald Koeman.
Dù đây có thể coi là truyền thống của bóng đá Hà Lan, nhưng trên thực tế chỉ có ông Rinus Michels được nếm trải mùi vị thành công rực rỡ khi tái xuất. Ở lần thứ ba dẫn dắt đội tuyển Hà Lan, ông đã đưa Hà Lan đăng quang vô địch châu Âu, giải đấu năm 1988 cũng tổ chức trên đất Đức như mùa Hè năm nay. Ở mức độ thành công thấp hơn, có ông Louis van Gaal đưa Hà Lan đến vị trí thứ 3 World Cup 2014, tốt hơn rất nhiều so với lần đầu cầm quân ông phải cùng Hà Lan xem World Cup 2002 qua tivi. Lần tái xuất tiếp theo của cả Michels lẫn Van Gaal đều thất bại.
Nhìn quanh châu Âu, rõ ràng không có nhiều HLV người Hà Lan cầm quân ở các CLB tên tuổi. Chỉ có Erik ten Hag đang ở Manchester United, và không/chưa có hứng thú với công việc ở đội tuyển quốc gia.
Giải pháp an toàn
Sau hành trình đầy chông gai dưới thời Frank de Boer, người ta chấp nhận rằng cần phải có một nhân vật giàu kinh nghiệm và được kính trọng như Van Gaal để bước vào và ổn định con tàu Oranje cho kỳ World Cup 2022. Câu hỏi muôn thuở mấy mươi năm qua mỗi khi một người được bổ nhiệm làm tân HLV đội tuyển Hà Lan, tất nhiên rồi: Liệu Hà Lan có thể chơi cởi mở hơn và cố gắng áp dụng truyền thống chiến thuật và phong cách của Johan Cruyff không? Van Gaal không phải mẫu HLV sẽ làm điều đó, nhưng bổ nhiệm ông được xem như một biện pháp ngắn hạn cần thiết, có thể đặt nền móng cho những lợi ích lâu dài.
Nhưng sau đó, khi Koeman, một huyền thoại người Hà Lan khác trở lại dẫn dắt đội tuyển quốc gia kế nhiệm Van Gaal, liệu có gì thay đổi không? Với nhiều tài năng trẻ đầy tiềm năng đang nổi lên, khi bắt đầu một chu kỳ giải đấu mới, và sau một số năm trì trệ, phải chăng đó là thời điểm để đón nhận sự thay đổi, chấp nhận rủi ro và hoàn toàn khởi động một kỷ nguyên mới cho Oranje?
Có vẻ như, dựa trên những gì chúng ta đã thấy trong nhiệm kỳ thứ hai của Koeman – hơn một năm vừa qua – chuyện không phải như thế. LĐBĐ Hà Lan (KNVB) đã đưa người hâm mộ quay trở lại thời đại mà họ đã trải qua và bị bỏ lại phía sau. Họ đã chọn sự an toàn, đúng lúc cần phải có sự dũng cảm.
Phải khẳng định là Koeman, cựu ngôi sao Ajax và Barcelona, đã thể hiện tốt. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, trước khi ông chia tay đội tuyển Hà Lan để chuyển sang dẫn dắt Barcelona, Oranje đã trình diễn một bộ mặt tích cực. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ngoài 2 trận thua ở bán kết và tranh hạng 3 Nations League, Hà Lan chỉ để thua 2 trận ở vòng loại EURO 2024, đều dưới tay Pháp. Về mặt thành tích thì không thể nói là tệ.
Dù vậy, hiện tại có nhiều lo ngại hơn là lạc quan. Người hâm mộ hiếm khi thấy vui mỗi khi danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia được công bố. Cách lựa chọn cầu thủ cho thấy Koeman vẫn quá nặng lòng với quá khứ và không sẵn sàng nhìn về tương lai. Ví dụ, Jeremie Frimpong, một trong những hậu vệ phải hay nhất Bundesliga mấy mùa qua dù còn khá trẻ (mới 23 tuổi), mãi gần đây mới được thử nghiệm.
Có những vấn đề Koeman cần giải quyết và những câu hỏi ông cần trả lời. Liệu ông có đủ tư duy chiến thuật để phát huy tối đa năng lực của đội bóng này không? Nếu ngay ở vòng loại mà ông còn ngại ngần thử nghiệm các cầu thủ có tiềm năng nhưng thiếu kinh nghiệm để giúp họ phát triển, thì đến VCK liệu ông có đủ mạnh dạn trao cho họ một cơ hội để tạo đột biến?
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, khác với cấp câu lạc bộ, chúng ta có ít trận đấu hơn để đưa ra đánh giá. Quá trình vòng loại với vẻn vẹn chưa đầy 10 trận thực ra chỉ nên được coi là cữ dượt cho vòng chung kết, tất nhiên là nếu vượt qua được. Do vậy, đành phải đợi khi trận đánh lớn là VCK diễn ra để “luận anh hùng”, để biết giới hạn năng lực của nhà Koeman - Ronald và người anh Erwin là trợ lý - tới đâu.
Góc chiến thuật
Những năm gần đây, các cổ động viên Hà Lan dành hàng giờ để tranh luận xem Hà Lan chơi hệ thống nào. Đây có lẽ một cuộc thảo luận vô bổ. Các cầu thủ đã chơi với sơ đồ 4-3-3 trước Scotland, có vẻ như vậy. Nhưng thực ra đó là 3-5-2. Trong trận gặp Đức, họ chơi với sơ đồ 3-2-3-2 nhưng một lần nữa, trên thực tế vẫn là 3-5-2.
Hàng phòng ngự có bốn người khi một trong những tiền vệ lùi lại để bắt đầu triển khai bóng. Hậu vệ cánh như Daley Blind hầu như không tham gia phòng ngự mà chơi như một tiền vệ tăng cường và đôi khi ở vị trí số 10. Tiền vệ trung tâm như Veerman thì thường lùi lại để hỗ trợ các hậu vệ triển khai bóng. Koeman có lúc sử dụng cả các tiền vệ tấn công và tiền đạo của mình để tạo ra một cầu thủ tự do trong đội của mình.
Dù hiện tại không có chân sút nào ở đẳng cấp thế giới (kể cả Depay), Hà Lan vẫn có khá nhiều cầu thủ tấn công hạng khá hoặc còn tiềm năng phát triển, những người như Noa Lang, Cody Gakpo, Brian Brobbey, Joshua Zirkzee, Calvin Stengs và Steven Bergwijn. Tuy nhiên, cầu thủ đang thi đấu tại Đức cho Borussia Dortmund, Donyell Malen mới là người mang đến những khác biệt. Các cầu thủ khác đều muốn bóng đến chân. Lang và Simons có xu hướng di chuyển sâu, Bergwijn cũng vậy. Malen thì giống như một con báo, điềm tĩnh rình rập và theo dõi di biến động của đối thủ để hành động bất ngờ. Khi cần thiết, với kỹ năng rê dắt và tốc độ, Malen sẵn sàng bùng nổ.
Điều này khiến anh trở thành một cầu thủ độc đáo nhất trong đội và sẽ củng cố được vị trí của mình trong đội hình chính chứ không chỉ là góp mặt trong danh sách cho có. Dù hiệu suất ghi bàn chưa ấn tượng nhưng Malen sẽ là cầu thủ quan trọng trên hàng công.
Tại vòng loại EURO 2024, Hà Lan nằm ở Bảng B với các đối thủ Pháp, Hy Lạp, Ireland và Gibralt=ar. Sau 8 trận đấu, ghi được 17 bàn thắng và để lọt lưới 7 lần, Hà Lan có 6 trận thắng và 2 trận thua, đứng thứ 2 và kém đội nhất bảng Pháp 4 điểm. Hà Lan đã giành vé dự VCK trước một lượt đấu khi nhiều hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Hy Lạp 3 điểm và có thành tích đối đầu tốt hơn (Hà Lan thắng Hy Lạp cả hai lượt trận). Đây là lần thứ 11 trong lịch sử, Cơn lốc màu da cam góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu.
Trước EURO 2024, Hà Lan có 10 lần góp mặt ở giải đấu này. Thành tích tốt nhất của Hà Lan là vô địch năm 1988. Ngoài ra, họ còn có 3 lần vào bán kết ở các năm 1992, 2000 và 2004. Từ năm 2012 tới nay, thành tích của Hà Lan tại EURO rất tệ. Họ bị loại từ vòng bảng năm 2012, không vượt qua vòng loại năm 2016 và dừng chân ở vòng 1/8 năm 2020.
Thời còn thi đấu, Koeman được coi là một trong những trung vệ tấn công xuất sắc nhất mọi thời đại với khả năng ghi bàn đa dạng. Trong sự nghiệp huấn luyện, Koeman đã giành được ba danh hiệu Eredivisie (VĐQG Hà Lan): hai lần với Ajax và một lần với PSV. Ông là cá nhân duy nhất từng vừa thi đấu vừa huấn luyện cho cả "Big Three" của bóng đá Hà Lan (Ajax, PSV và Feyenoord). Ngoài ra ông còn dẫn dắt Benfica (Bồ Đào Nha), Valencia (Tây Ban Nha), Southampton và Everton (Anh).
Dù đã 32 tuổi nhưng Van Dijk vẫn là ngôi sao nổi bật nhất trong đội hình ĐT Hà Lan dự EURO 2024. Trung vệ này đã có mùa giải 2023/24 khá ấn tượng trong màu áo của Liverpool dù đội bóng này chỉ giành được League Cup. Van Dijk vẫn sẽ là thủ lĩnh nơi hàng phòng ngự và có thể ghi những bàn thắng quan trọng khi lên tham gia tấn công.
20h00 ngày 16/6, Ba Lan vs Hà Lan
02h00 ngày 22/6, Hà Lan vs Pháp
23h00 ngày 25/6, Hà Lan vs Áo
vs. Ba Lan: Thắng 9, hòa 7, thua 3
vs. Pháp: Thắng 11, hòa 3, thua 16
vs. Áo: Thắng 9, hòa 4, thua 6
Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.
- Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
- Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
- ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
- Giá: 98.000 đồng.