Vì “cô ấy” trong câu chuyện này là Svetlana Furtseva – con gái cưng của Bộ trưởng Văn hóa Liên Xô Ekaterina Furtseva.
KHÔNG MUỐN CƯỚI THÌ PHẢI VÀO TÙ?
Như đã nêu ở kỳ trước, Eduard Streltsov bị “phản kèo” bởi đề nghị “nhận tội thì sẽ được dự World Cup”. Chẳng những không được dự World Cup 1958, sự nghiệp bóng đá của một ngôi sao rực rỡ đang chuẩn bị chinh phục làng cầu thế giới còn tan vỡ bởi phiên tòa nhanh chóng được thiết lập sau khi có lời nhận tội.
Đúng dịp sinh nhật thứ 21, Streltsov bị kết án 12 năm tù. Ogonkov và Tatushin tuy rút cuộc không hề hấn gì nhưng cũng bị gạch tên khỏi danh sách ĐT Liên Xô. Sau này, họ gần như không có dịp xuất hiện trên mặt báo nữa, như thể họ “phải” rơi vào quên lãng để đừng gợi lại bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến vụ án Streltsov.
Vì sao viên sĩ quan Karakhanov mời Streltsov đến nhà dự tiệc? Chỉ biết mù mờ: nhân vật này vừa bất ngờ được kết thúc chuyến công tác chẳng ai muốn có ở vùng Viễn Đông, được trở về Moscow sớm hơn hạn định, và ông ta chỉ vừa trở về trước đó vài ngày. Karakhanov có chút quen biết với Tatushin và muốn nhờ cầu thủ này mời thêm 2 cầu thủ đến dự tiệc “cho vui”.
Chấm hết. Karakhanov không hề nói ra bất cứ câu nào liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, sau này, người ta biết rằng, Karakhanov đã đề nghị bà Bộ trưởng Ekaterina tác động tới người bạn lớn Khruschev giúp ông ta được ở lại Thủ đô. Và giá của “ân sủng” đó là sinh mạng của Streltsov.
Trong khi đó, thủ quân Valentin Ivanov chỉ biết lắc đầu quầy quậy: “Chuyện này quá sức mờ ám. Cho dù tất cả đều là sự thật đi nữa, cũng không thể tin là Streltsov cưỡng hiếp Lebedeva. Bạn cứ hình dung tình huống một cô gái 22 tuổi ban đêm đi đến một căn nhà ở ngoại ô và bị một chàng trai nhỏ tuổi hơn mình cưỡng hiếp. Phải hỏi ngược lại: ai cưỡng hiếp ai?”.
Ngoài đời, cuộc sống riêng của Streltsov cũng chẳng có gì bí mật. Ông cũng rượu chè, nhiều là đằng khác, bởi có ngày ông đã uống hết 4 chai vodka. Không có gì lạ đối với một ngôi sao trẻ. Cũng vậy, không có gì lạ nếu như Streltsov quen biết nhiều cô gái trẻ. Nhưng nếu một trong những cô gái trẻ mê Streltsov như điếu đổ lại là nàng Svetlana, con gái cưng của bà bộ trưởng văn hóa Ekaterina Furtseva, thì đấy lại là chuyện khác.
Của đáng tội, trong con mắt của Streltsov, cô nàng Svetlana chẳng hấp dẫn bằng một cái móng tay của những mỹ nhân vây quanh ông. Đó là một cô gái tóc hung, dáng vóc gầy gò, mặt đầy tàn nhang, đường nét thô kệch và chẳng “sexy” một tẹo nào. Nhưng đó lại là “thiên kim tiểu thư” của một nhân vật đầy quyền lực.
Chuyện quá nghiêm trọng. Không chỉ giữ ghế Bộ trưởng Văn hóa, Ekaterina còn được xem là người phụ nữ có quyền lực nhất trong toàn bộ nền chính trị Liên Xô trước đây. Bà có mối quan hệ “gần gũi” với Nikita Khruschev, người giữ ghế Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô sau khi Stalin qua đời vào năm 1953. Ekaterina là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Bộ Chính Trị Liên Xô (mãi đến khi Liên Xô gần tan rã, mới có người phụ nữ thứ hai lọt vào Bộ Chính Trị).
Ekaterina hẳn đã biết rõ nỗi lòng con gái. Trong một lần gặp Streltsov ở điện Kremlin vào năm 1957, trong lễ mừng công sau Olympic 1956, Furtseva có nói với Streltsov, rằng không chóng thì chầy cũng sẽ tổ chức hôn lễ cho ông và Svetlana.
Nhưng Streltsov cự tuyệt: “Tôi đã có hôn thê. Tôi không thể cưới cô ấy”. Cứ như bấy nhiêu còn chưa đủ làm cho bà Bộ trưởng mất mặt, Streltsov lại còn nhiều lần nói với bạn bè: “Tôi không bao giờ cưới con khỉ ấy”, hoặc “Tôi thà bị treo cổ còn hơn phải cưới một đứa con gái như vậy”. Bản án ập xuống Streltsov 1 năm sau đó chính là hình phạt cho việc từ chối ép duyên? Tất nhiên, không ai dám khẳng định đấy là sự thật.
Trong vụ án cưỡng hiếp, còn có chi tiết là “nạn nhân” Lebedeva từng rút lại đơn kiện Streltsov, nhưng sau đó lại đổi ý lần nữa. Vì sao? Tất cả vẫn nằm trong vòng bí mật.