Trước thềm Olypic Paris 2024, tất cả VĐV tham dự đại hội, trong đó có Việt Nam, đều được BTC khuyến cáo về việc “nói không với doping”, khi lấy mẫu xét nghiệm và trải qua khóa học giáo dục, phòng chống doping trên nền tảng ADEL (Anti Doping Education and Learning) theo đúng quy định của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA). ADEL là nền tảng giáo dục và học tập chống doping do WADA thực hiện và ra mắt vào tháng 1/2018.
Các VĐV tham gia quá trình học tập với các module lý thuyết. Mỗi module cần từ 10 - 30 phút để hoàn thành, tương ứng một loạt bài học cần thiết. Sau khi hoàn thành phần lý thuyết, các học viên đã tham gia làm bài kiểm tra và phải đảm bảo đạt đủ 80% số điểm yêu cầu mới được tham dự Olympic Paris 2024.
Chưa hết, nhiều đội tuyển thể thao của thế giới đã phải trải qua những đợt lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ, nếu những nhà tổ chức đại hội cảm thấy nghi ngờ. Nói đâu xa, ngay trước thềm Olypic Paris 2024, Trung Quốc đã khiến dư luận xôn xao khi tiết lộ các tuyển thủ bơi của nước này bị kiểm tra doping 200 lần trong vòng 10 ngày.
Sự việc này được chia sẻ từ trang weibo của ông Yu Liang - chuyên gia dinh dưỡng của đội tuyển bơi Trung Quốc. Theo ông Yu Liang, các tuyển thủ Trung Quốc đã bị gọi đi kiểm tra doping khi mới 06h00 sáng và cả trong giờ ăn trưa. Buổi tối họ lại nằm chờ ngoài sảnh khách sạn để tiếp tục thực hiện kiểm tra từ 21h00 đến nửa đêm. “Chỉ trong 10 ngày, 31 VĐV của chúng tôi phải thực hiện khoảng 200 mẫu kiểm tra doping theo yêu cầu của Cơ quan Kiểm nghiệm quốc tế (ITA)” - ông Yu Liang nói.
Thông tin này đã tạo ra sự phẫn nộ tại Trung Quốc, bởi đội tuyển bơi của nước này đang bị kiểm tra doping nhiều hơn tất cả các đội tuyển khác. Tuy nhiên, chẳng phải tự nhiên họ bị như thế, bởi nhiều năm qua bơi lội Trung Quốc thường xuyên dính vào các vụ bê bối doping. Đơn cử như vụ 23 VĐV bơi Trung Quốc dương tính với doping, nhưng vẫn được WADA cho qua để dự Olympic Tokyo 2020. Trước đó vào năm 2018, kình ngư Sun Yang đã tìm cách huỷ mẫu thử doping khi bị kiểm tra đột xuất và bị cấm thi đấu 4 năm…
Thực tế, việc phòng chống doping lại các kỳ Olympic luôn gặp rất nhiều khó khăn, bởi những cường quốc thể thao lại là những nước sử dụng doiping nhiều nhất. Chỉ riêng thể thao Nga đã có đến 2 sự cố lớn về doping lớn, tại Olympic Moscow 1980, và trong giai đoạn 2008-2016.
Nếu ở Moscow 1980, mọi chuyện chỉ là nghi án, đến năm 2016, thể thao thế giới được chứng kiến vụ bê bối doping lớn nhất lịch sử. Theo đó, đã có gần 40 tuyển thủ Nga bị tước huy chương trong ba kỳ Olympic (mùa Hè 2008, 2012 và mùa Đông 2014). Con số này góp phần đưa Nga lên độc chiếm bảng xếp hạng huy chương… bị tước ở Olympic. Tổng cộng đã có 12 HCV, 20 HCB và 12 HCĐ của các VĐV Nga bị tước vì doping.
Xem ra, doping vẫn là nỗi ám ảnh rất lớn ở mỗi kỳ Olympic, nhưng chưa có cách để hạn chế khi căn bệnh thành tích vẫn còn quá lớn ở tất cả đoàn tham dự.